CHUẨN HOÁ CÁC BÀI VÕ QUY ĐỊNH

quy dinh vo co truyen

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-LĐVTCTVN ngày 12/01/2014 và Nghị quyết số 03/NQ-LĐVTCTVN ngày 28/3/2014 của Ban Thường vụ Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam về việc quy chuẩn các bài võ quy định của Liên đoàn.

Ban chuyên môn Liên đoàn đã trình kế hoạch lên Ban Thường vụ, chương trình làm việc từ ngày 20/4 đến 25/4/2014 tại Phường Trường Thọ, Quận Thủ Đức với thành phần gồm những võ sư, vận động viên để quy chuẩn thống nhất theo các tiêu chí được họp bàn kỹ lưỡng: Kỹ thuật chuẩn xác, thể hiện nổi bật nét đặc trưng của từng bài võ, tộc độ nhanh, chậm hợp lý; biên độ, tiết tấu rõ ràng, biểu cảm ấn tượng; phối hợp thân, thủ, nhãn pháp khí, kình, thần khi diễn bài võ; mục đích nâng tầm bài võ theo định hướng thể thao hội nhập thế giới.

Ban chuẩn hoá các bài võ lần này gồm:

- Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Trưởng ban

- Võ sư Lê Kim Hoà, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn, Phó trưởng ban thường trực;

- Ông Đặng Danh Tuấn, Tổng thư ký Liên đoàn, Phó trưởng ban;

- Võ sư Trương Văn Bảo, Phó Tổng thư ký Liên đoàn, Phó trưởng ban;

- Võ sư Nguyễn Ninh, Uỷ viên Ban chấp hành, Phó trưởng ban.

Cùng các uỷ viên là Võ sư Trần Xuân Mẫn (Uỷ viên Ban chấp hành); Võ sư Lý Hoàng Tuấn (Uỷ viên Ban chấp hành); Võ sư Nguyễn Thành Sang (TPHCM); Võ sư Đoàn Đức Phước (Khánh Hoà); Võ sư Trần Duy Linh (Bình Định); Võ sư Nguyễn Hữu Phước (TPHCM); Võ sư Hà Thị Yến Oanh (TPHCM); Võ sư Lê Đình Long (TPHCM); Võ sư Lê Thanh Sang (TPHCM).

Các vận động viên xuất sắc thị phạm bài là Lê Thanh Hải (TPHCM); Lê Nghiệp Quân (TPHCM); Châu Kiến Quốc (TPHCM); Dương Quốc Cường (TPHCM); Nguyễn Thị Kim Loan (TPHCM); Lý Thanh Hiền (TPHCM); Lê Tài Bảo Khôi (Cần Thơ); Mai Thanh Tuấn (Bình Định); Trần Lê Trường Hiệp (TPHCM); Lê Nguyễn Đình Lân (TPHCM); Nguyễn Trọng Nhân (TPHCM), Nguyễn Quốc Sỹ (Bình Định).

Phương pháp tổ chức và làm việc:

Ban chuẩn hoá họp bàn đưa ra những tiêu chí:

- Thống nhất nét kỹ thuật.

- Quy chuẩn cụ thể số động tác trong từng câu thiệu và tổng thể của bài quyền.

- Chú ý biên độ động tác. Tốc độ nhanh, chậm, trung bình hợp lý. Sức mạnh thể hiện được nét nhu, cương, cường, nhược theo kỹ thuật của bài võ, nhất là đặc trưng của từng loại binh khí.

- Điểm dừng và thời gian dừng sau một loạt các động tác kỹ thuật (chiêu thức - chuỗi động tác kỹ thuật, tuỳ theo động tác kỹ thuật, nghiên cứu câu thiệu dài, ngắn mà điểm dừng phải khác nhau), điều này sẽ làm cho tiết tấu bài quyền trở nên sinh động.

- Quy định thời gian diễn quyền nhưng cho phép dung sai tính theo giây.

- Võ thuật có câu: “Thân - thủ - nhãn pháp, khí - kình - thần”. Thân thủ gọi chung các phần căn bản như tấn pháp, bộ pháp, thân pháp, thủ pháp, cước pháp và nhãn pháp là những phần mà mắt thường trông thấy. Còn khí, kình, thần là phần bên trong nhưng phải thể hiện sống ra bên ngoài để bài võ có giá trị. Khí, kình hỗ trợ cho kỹ thuật; “thần” làm sống cái “hồn” của bài quyền. Thần xuất ư nhãn trung và độ cương, nhu, nhanh, chậm của kỹ thuật cũng giúp cho bài quyền sống động.

- Bái tổ bài quyền không vội vàng, hấp tấp, mà tập trung thành ý, thanh thoát, trang nghiêm.

- Đưa vào quy chế thi: Cấm tuyệt đối các vận động viên không được biến tấu bài võ quy định.

Phương pháp thực hiện:

- Võ sư hướng dẫn vận động viên tập luyện quy chuẩn theo các tiêu chí của Ban chuyên môn.

- Khoa học và Thể thao hoá phương pháp nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

- Các vận động viên luyện tập.

- Kiểm tra.

- Đánh giá.

- Ghi hình.

21 năm qua, một số việc nhìn lại:

- Thời gian đầu ghi hình bằng băng vidéo từ 1993 - 1999. Các võ sư, huấn luyện viên thị phạm bài với những nét chân phương theo nguyên bản.

- Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam có ghi những tiêu chuẩn để thi và chấm điểm bài võ cụ thể.

- Điều kiện làm việc ban đầu thiếu thốn, phương tiện chuyên môn thô sơ, công tác chuẩn bị chưa được như ý nên các đợt ghi hình còn đơn giản.

Liên đoàn đã ghi hình 10 bài làm tài liệu 4 lần:

- Lần 1 từ năm 1993 - 1999 taị Hội nghi chuyên môn toàn quốc từng năm bằng băng vidéo.

- Lần 2 vào năm 2001, ghi hình bằng đĩa hình tại Nha Trang, Khánh Hoà.

- Lần 3 vào năm 2007, ghi hình bằng đĩa hình tại Sơn Tây, Hà Tây.

- Lần 4 vào năm 2014, ghi hình bằng đĩa hình (13 bài) tại Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Và lần này tuy kế hoạch rõ ràng, phương pháp khoa học, cụ thể nhưng vẫn chưa phải là toàn hảo vì điều kiện cơ sở vật chất vẫn chưa được như ý do điều kiện Liên đoàn còn khó khăn. Tuy nhiên bằng tâm huyết, nỗ lực và sự hy sinh của thầy trò Võ cổ truyền Việt Nam, kết quả thật đáng trân trọng.

Nói đơn giản, phê bình, chê trách, thậm chí chỉ trích nặng nề thì dễ nhưng trực tiếp “ra trận” mới thấy làm công việc chuyên môn là khó, không phải ai cũng làm được. Thầy và vận động viên sôi mồ hôi, diễn đi diễn lại nhiều lần, chỉnh tới, chỉnh lui cho kỹ thuật hoàn chỉnh theo tiêu chí, nhiều vận động viên phải diễn trước ống kính đến 10 lần, choáng như muốn ngã quỵ. Các võ sư, vận động viên thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện cống hiến hoàn toàn không nhận bồi dưỡng. Hội Võ cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh tài trợ cơ sở vật chất. Những buổi liên hoan sau giờ làm việc mệt nhọc đều là tấm lòng của các thầy và học trò trong đợt chuẩn hoá này.

Trời Sài Gòn nắng nóng, mặt đường nhựa ở Thủ Đức như bốc lửa. Đình Trường Thọ che chở những tâm hồn Võ Việt mang sứ mạng tiền nhân tiếp nối đi vào lịch sử. Về Thủ Đức nhớ lại hai câu thơ: “Chân một bước đi về Tăng Nhơn Phú; Ta treo đời trên bốn mũi tên dâu”.

TVB. Thủ Đức 4/2014

Lên trên